Tàng hải hoa 1- chương 21

CHƯƠNG 21: Muộn Du Bình xuất hiện

edit: HangNguyen185

Beta: TPNN

images (2)
Tôi không rõ mình đã đứng ở đó bao lâu, ngơ ngác đứng nhìn bóng lưng ấy.

Lòng tôi nói làm sao điều này có thể xảy ra? Hắn không phải đã nói 10 năm sao?

Làm thế nào mà hắn lại đi ra?

Chẳng lẽ hắn căn bản lừa gạt tôi? Hay là, sự tình có biến cố mới.

Hơn nữa hắn tới nơi này, chẳng lẽ nơi này là tất thảy mấu chốt. Hắn vừa ra khỏi cánh cửa Thanh Đồng liền trực tiếp tới đây?

Chờ đến khi tôi di chuyển đến trước mặt bóng dáng ấy, thì cơn mộng du đã trở thành sự phẫn nộ cùng nghi hoặc. Bởi vì đó chẳng phải một người đang ngồi đấy, mà là một bức tượng đá. Áo khoác đen khoác trên bức tượng, rất gọn gàng, mũ tránh tuyết đội cả trên đầu, nhìn qua giống y người thực.

Tôi hết sức tức giận, rốt cuộc ai là kẻ làm ra trò đùa dai này, khoác một chiếc áo khoác lên tảng đá, mà điểm nghi hoặc chính là vì sao nó cùng với bóng dáng Tiểu Ca lại giống nhau đến như thế.

Tôi nhìn gần vào để thấy gương mặt của bức tượng, đó chỉ là một tượng đá đơn giản khắc từ đá núi Himalaya, hết sức thô kệch, hoàn toàn không có chi tiết, nhưng toàn thân thực sự đặc biệt giống Tiểu Ca. Tôi theo bản năng nhìn vào hai ngón tay của tượng đá, nó cũng không khắc tỉ mỉ đến phần ngón tay.

Tôi dò xét xung quanh, chiếc áo này khá là đắt. Những đoàn du khách kia tới đây cũng chẳng dễ dàng gì, không thể có người nào đó mang đến hai chiếc rồi để lại một chiếc trêu đùa người khác. Chiếc áo khoác này khẳng định có chủ, hơn nữa nếu hắn muốn xuống núi, thì nhất định sẽ quay lại lấy.

Xung quanh không có ai, tôi lượn vài vòng rồi đến trước mặt tượng đá cẩn thận xem xét.

Loại cảm giác này hết sức kì quái, ảnh của Tiểu Ca tôi có cực kì, cực kì ít, trừ bỏ một vài bức hình chứa hình ảnh mơ hồ, thì ra khoảng thời gian chúng tôi ở cạnh nhau không hề lưu lại thứ gì.

Điều này làm cho tôi nghĩ, chung quy tôi và hắn cũng không phải là quan hệ bằng hữu.

Trong cuộc và ngoài cuộc, khi cuộc sống đã từng không có ý nghĩa mới có thể có bằng hữu đúng nghĩa, nếu không, bằng hữu kết giao khi có lợi ích, đến lúc lợi ích không còn thì bằng hữu có tồn tại nữa hay không chính là một vấn đề.

Tôi châm một điếu thuốc, nhìn bức tượng điêu khắc dở, trong lòng thầm nghĩ nhất định phải hỏi đại lạt ma một chút xem đây là cái gì. Nhưng tôi rất nhanh liền phát hiện, tượng đá này không phải không có dự định điêu khắc chi tiết, mà là giữa chừng liền ngừng lại.

Tất cả các bộ phận có mức độ chi tiết hoàn toàn không giống nhau, cẩn thận nhất là mặt, phần này chắc đã được chuẩn bị để hoàn thành đầu tiên. Tôi có thể dựa theo nhưng vết tích điêu khắc của tác giả để đoán ra ý đồ. Gương mặt của bức tượng này chính là mặt Tiểu Ca. Khuôn mặt của Tiểu Ca khá đặc trưng, hắn sẽ chẳng lẫn được vào đâu giữa một đám người, nhưng đó không phải điểm làm tôi để ý, tôi để ý chính là biểu tình của gương mặt.

Tôi phát hiện, nó đang khóc.

Tôi đi ra cách xa vài bước, càng ngày càng cảm thấy sởn gai ốc. Toàn bộ tượng đá tạo cho tôi một cảm giác khiếp sợ – Tiểu Ca ngồi trên một tảng đá, đầu cúi thấp, đang khóc.

Tiểu Ca chưa bao giờ lộ ra biểu tình gì rõ ràng, nhất là khóc. Đến một tia thống khổ, tôi còn chưa từng nhìn thấy hắn biểu đạt nữa là. Tôi nhìn tượng đá, hút xong điếu thuốc, rồi định cởi chiếc áo khoác, trực tiếp tìm lão lạt ma hỏi chuyện.

Nhưng tay tôi vừa chạm vào mặt ngoài của tấm áo đã phát hiện có điểm không đúng, nó để lại trên tay tôi một lớp bụi. Tôi thật cẩn thận cởi bỏ khóa kéo cùng nút thắt, liền thấy rằng chiếc áo này vốn không phải màu đen. Màu sắc lúc đầu đã không thể xác minh nổi, có thể là trắng hoặc đỏ, nhưng bởi vì quá cũ kĩ nên biến thành màu đen.

Chiếc áo này hẳn đã phủ ngoài tượng đá một khoảng thời gian dài. Nhìn vào chất liệu là một hỗn hợp nilon, nhưng kiểu dáng lại khá là mới, có lẽ không quá ba năm. Nói cách khác, trong vòng ba năm trở lại đây có người đã treo áo lên tượng đá nhưng lại không có thu về, đồng thời trong khoảng thời gian đó cũng không ai phát hiện ra chuyện này.

Sau đó, tôi có hỏi đại lạt ma. Ông nói cho tôi biết, nhóm lạt ma hoạt động trong khu vực cũng không lớn. Chùa này có nhiều khu vực nhiều lạt ma cũng chưa hề bước vào, có lẽ chỉ có người xây dựng chùa mới rõ. Nói vậy cũng có nghĩa tượng đá này do ai khắc, ai là người khoác áo cho nó đều không thể nào chứng thực.

Đại lạt ma cũng giúp tôi hỏi một số người nhưng không có kết quả, bởi vì có vẻ tất cả lạt ma đều nói, từ khi vào chùa họ chưa hề bước tới sân kia. Tôi tin rằng họ nói thực. Đối với cái nơi này mà nói, tất cả lạt ma ở đây đều rất mộ đạo, sự tò mò của họ đã sớm được loại bỏ trong vài năm đầu tu hành. Cho nên họ đều có đều có cái nhìn rất đơn giản, không dục vọng về hoàn cảnh sống chung quanh, không cần phải tới nơi ấy, cho dù có cách một cánh cửa, họ cũng chẳng đẩy ra liếc lấy một lần.

Như vậy, tượng đá này rất có thể xuất hiện từ thời của Đức Nhân đại lạt ma, mà các lạt ma thời điểm đó hầu như đã qua đời, suy luận tới đây, muốn biết người mặc áo cho tượng càng không thể khảo chứng.

Trong đầu tôi tưởng tượng, khi nào, Tiểu Ca ở trong khoảng sân này, lén lút khóc?

Sau đó hắn còn bị người ta nhìn thấy, rồi bí mật điêu khắc lại, bức tượng đó trong ba năm trở lại đây còn được người phủ thêm áo khoác.

Tôi chắc rằng có rất nhiều chuyện lúc trước mà tôi không biết, những ngày tiếp theo e rằng cũng sẽ không bình yên như tôi nghĩ.

Về lại phòng mình, tôi bảo người làm thuê đọc một lựơt tài liệu phía sau, tôi nghĩ sẽ tìm thấy những bản ghi chép về “khóc”. Còn mình thì cẩn thận xem xét chiếc áo gió, muốn tìm kiếm chút thông tin về chủ nhân của nó. Bởi vì tôi biết, chỉ cần có một điểm đột phá, tôi có thể làm sáng tỏ các manh mối để tìm kết luận.

Cái áo này có nhãn hiệu Colombia, đây là một thương hiệu của Mĩ sáng lập năm 1938, lượng tiêu thụ nhiều vô kể, gần như tất cả các nơi trên thế giới đều có cửa hàng của nó, có vẻ chẳng thể nghiên cứu từ thương hiệu, màu sắc ban đầu cũng không thể kiểm chứng. Tôi chỉ biết, số đo của nó là XL, mặc số này thực có thể là nam giới, nhưng cũng có khả năng là nữ cao to, tuy nhiên bỏ một số tiền lớn thế này thì khả năng đó cũng giảm đi nhiều.

Không phải dân bản xứ, bởi vì phong cách ăn mặc chuyên nghiệp rất ít thấy ở họ, xác suất là dân ở đây vô cùng nhỏ.

Tôi móc vào các túi tiền trên chiếc áo, trong một cái, có mấy đồng tiền xu, là tiền xu nước ngoài. Tôi không biết nhiều về tiền ngoại quốc, nhưng tôi cảm thấy chiếc áo mua ở nước ngoài. Trong túi áo, còn có biên lai, là biên lai nhà hàng, tôi không chắc đó là một khách sạn ở Mặc Thoát, nhưng nhất định là một khách sạn ở Tây Tạng. Trong đó còn có một mảnh giấy bọc trong túi chống thấm nước.

Mảnh giấy này hoàn toàn bao kín trong túi chống thấm, mặt trên toàn là tiếng Đức, ở phía sau có một chuỗi số: 02200059.

Tôi hít một ngụm khí lạnh, sai người giúp việc xuống núi tìm người phiên dịch đoạn tiếng Đức này.

Mặt khác, tôi cũng có điểm sốt ruột, liền nghĩ kiếm một người Đức, sau khi hỏi thăm vài lạt ma, liền tới nơi nghỉ ngơi của người Đức để nhờ giúp đỡ. Trong số lạt ma có người biết phát âm một chút tiếng Đức, mà người Đức kia cũng hỗ trợ phiên dịch, vì thế tôi biết được trên đó viết:

Gửi Trương tiên sinh, tôi đã mở chiếc hộp cổ mà ông đưa cho tôi. Tôi hiểu ý của ông, tôi đoán rằng ông muốn nói với tôi về quá trình biến hóa của thế giới. Tôi cũng biết ông đang lo lắng về tình hình đang xảy ra. Tôi cho rằng lúc trước mình đã nói, tôi hy vọng phương pháp của gia tộc ông có thể tiếp tục hiệu lực trong thời gian ngắn. Đây không phải việc mà thế hệ chúng ta có thể giải quyết, tôi sẽ cố hết sức thuyết phục những bằng hữu của tôi mang niềm hy vọng đích thực lưu lại vào mười năm sau . Hy vọng tới khi đó ông vẫn còn nhớ được chúng tôi.

Dãy số dùng để mở hộp là 02200059. Nên là lần cuối cùng. Chúng tôi hiện không có nhiều thời gian, tôi rất muốn được gặp ông hoặc đồng liêu của ông càng sớm càng tốt. Nếu ông đọc được lá thư này, vui lòng viết thư trả lời theo địa chỉ trên bìa thư, tôi sẽ lập tức tới.

Bất kể là ai nhìn thấy mảnh giấy này, xin hãy để nó lại nguyên vị trí, chúng tôi muốn truyền tải thông tin này tới một người rất quan trọng.

Chữ kí để trống, nhưng ở vị trí chữ kí lại là một huy hiệu từ chữ tiếng Đức kỳ quái.

Posted on 19.03.2015, in Khác, Tàng hải hoa and tagged , , , , . Bookmark the permalink. Bình luận về bài viết này.

Bình luận về bài viết này